1. Khái niệm dược sinh học là gì
1. Khái niệm dược sinh học là gì
Dược sinh học/sinh phẩm (Biopharmaceutical) là các dược phẩm có thành phần hoạt chất mang bản chất sinh học, được sản xuất bằng công nghệ sinh học. Công nghệ sinh học (Biopharmaceutical industry) là một nhành của ngành công nghiệp dược phẩm, chuyên sản xuất dược phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có nguồn gốc sinh học bằng công nghệ sinh học
- Theo Cơ quan quản lý Thuốc của Châu Âu (EMA), “Sinh phẩm, Thuốc sinh học, Dược sinh học” (biological medicinal product) là các dược phẩm chứa hoạt chất được tạo ra hoặc dẫn xuất từ sinh vật sống[2].
- Theo Luật dược Việt nam 2016: “Sinh phẩm” (còn gọi là thuốc sinh học) là thuốc được sản xuất bằng công nghệ hoặc quá trình sinh học từ chất hoặc hỗn hợp các chất cao phân tử có nguồn gốc sinh học, bao gồm cả dẫn xuất của máu và huyết tương người. Sinh phẩm không bao gồm kháng sinh, chất có nguồn gốc sinh học có phân tử lượng thấp có thể phân lập thành những chất tinh khiết và sinh phẩm chẩn đoán in vitro[3].
2. Các nguồn nguyên liệu dùng để sản xuất
2. Các nguồn nguyên liệu dùng để sản xuất
Dược Sinh học/Sinh phẩm có thể được sản xuất từ tế bào động vật, thực vật, vi khuẩn, virus hoặc tế bào men[1,2,4]. Phương pháp để bào chế có thể là phương pháp công nghệ sinh học cổ điển như nuôi cấy, chiết xuất, phân lập từ cơ thể sống của người, động vật, vi sinh vật hoặc ứng dụng các công nghệ sinh học tiên tiến như kỹ thuật tái tổ hợp ADN, kỹ thuật di truyền, …[3]. Hiện nay, khi nói đến “Dược Sinh học/Sinh phẩm”, thường các công ty dược phẩm sẽ hướng đến các sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ sinh học tiên tiến. Các “Dược Sinh học/Sinh phẩm” có thể được dùng cho mục đích điều trị bệnh, phòng bệnh và kể cả chẩn đoán (theo quy chế của US FDA và EMA)[1,2,4,5,7].
3. Quản lý và cấp phép Sinh phẩm ở Việt Nam
3. Quản lý và cấp phép Sinh phẩm ở Việt Nam
Ở Việt Nam, việc quản lý và cấp phép “Sinh phẩm” do Cục Quản Lý Dược, Bộ Y Tế chịu trách nhiệm. “Sinh phẩm” được đánh giá bởi các chuyên gia thẩm định và thông qua ý kiến tư vấn của Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký Vaccine và “Sinh phẩm” [11].
Các dạng chế phẩm được cấp phép trong kênh này bao gồm:
- Vaccine
- Sinh phẩm (bao gồm tất cả các chủng loại Sinh phẩm theo phân loại chung của FDA, EMA, NGOẠI TRỪ Sinh phẩm chẩn đoán
- Probiotic
4. Probiotic
4. Probiotic
4.1). Probiotic là gì
Năm 2001, Tổ chức Y tế thế giới (WHO – World Health Organization) và Tổ chức Lương-Nông Liên hợp quốc (FAO – Food and Agriculture Orgarnization) đã thống nhất đưa ra định nghĩa cho “Probiotic”. Theo đó, “Probiotic” là những chế phẩm chứa các vi sinh vật sống khi sử dụng với lượng đủ sẽ mang lại lợi ích sức khỏe cho đối tượng sử dụng[12]. Cũng từ khi định nghĩa này ra đời, thuật ngữ “Probiotic” đã được sử dụng chưa thật sự chính xác, nếu không nói là đã lạm dụng quá mức. Đã có rất nhiều sản phẩm khai thác thuật ngữ “Probiotic” nhưng thật sự chất lượng của sản phẩm không đạt đúng yêu cầu của cơ quan quản lý. Chính vì thế các sản phẩm dạng “Probiotic” bắt đầu được các cơ quan quản lý chú ý hơn về việc cấp phép nhằm bảo vệ người tiêu dùng không bị dẫn dắt bởi các công bố vượt quá thực tế.
Tháng 10/2013 Hiệp hội Khoa học quốc tế về “Probiotic” và “Prebiotic” (The International Scientific Association for Probiotics and Prebiotics – ISAPP) bao gồm các chuyên gia về tiêu hóa, nhi, bác sĩ gia đình, vi sinh đường ruột, vi khuẩn tạo “probiotic”, vi sinh di truyền, miễn dịch và thực phẩm cùng với sự tham gia của các thành viên từ FAO/WHO đã tổ chức một hội nghị đồng thuận về phạm vi sử dụng thuật ngữ “Probiotic” và sử dụng hợp lý thuật ngữ này [13]. Hội nghị đã đưa ra những đồng thuận sau:
– Tiếp tục sử dụng định nghĩa của FAO/WHO về “Probiotic”.
– Phân biệt rõ hệ vi sinh hội sinh đường ruột với “Probiotic”: mặc dù hệ vi sinh hội sinh đường ruột là nguồn để tạo ra “Probiotic” nhưng nếu chưa xác định rõ chủng vi sinh để sản xuất ra “Probiotic” thì chưa được gọi hệ vi sinh này là “Probiotic”.
– Hệ vi sinh từ phân người vì thế không được xem là “Probiotic”.
– Một sản phẩm nếu công bố là một “Probiotic” thì cần phải xác định rõ chủng vi sinh đã được phân lập để sử dụng, các tiêu chuẩn đặc trưng và bằng chứng lâm sàng cho thấy mang lại lợi ích cho sức khỏe.
– Chứng minh được các tác động của “Probiotic”
Hình ảnh 2: Mục tiêu của những đối tượng liên quan đến “Probiotic”[13]
4.2). Lợi ích của Probiotic
Dựa trên những kết quả thử nghiệm lâm sàng, các phân tích gộp và những bài tổng quan hệ thống về “Probiotic” hội nghị đồng thuận đã rút ra kết luận rằng “Probiotic” mang lại một số lợi ích nhất định cho sức khỏe. Dựa trên quy chế xét duyệt “Probiotic” của Cơ quan Y tế Canada (Health Canada)[14] và Ý, một số đồng thuận của hội nghị về chủng vi sinh sử dụng, liều lượng, …, áp dụng khi sử dụng “Probiotic” dưới dạng thực phẩm hoặc sản phẩm bổ sung chứ không phải ở dạng thuốc đã được thông qua[13]:
- Chủng vi khuẩn sử dụng: Bifidobacterium (adolescentis, animalis, bifidum, breve và longum) và Lactobacillus (acidophilus, casei, fermentum, gasseri, johnsonii, paracasei, plantarum, rhamnosus và salivarius)
- Liều: 1 x 109 CFU cho mỗi lần sử dụng
- Bên cạnh các chủng trên, hiện nay một số chủng vi khuẩn và nấm men khác cũng được sử dụng làm “Probiotic”. Các chủng này bao gồm:
- Nấm men: Saccharomyces boulardii (chủng duy nhất được sử dụng làm “Probiotic”)[15]
- Vi khuẩn: Streptococcus thermophilus, Streptococcus salivarius, Enterococcus faecalis[16,17].
Probiotic đã được nghiên cứu trên nhiều tác động khác nhau và cho thấy lợi ích trên chức năng sinh lý và miễn dịch. Những lợi ích của “Probiotic” được minh họa trong hình 3.
Hình 3. Tác động sinh lý, kháng khuẩn và điều hòa miễn dịch của “Probiotic”[18]
5. Tiềm năng của “Probiotic” trên thế giới
5. Tiềm năng của “Probiotic” trên thế giới
Nhật bản là quốc gia hàng đầu trên thị trường nghiên cứu, phát triển và tiêu thụ “Probiotic”. Đây là quốc gia đầu tiên áp dụng quy chế cấp phép các sản phẩm “Probiotic” ở 3 dạng: thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm chức năng và thực phẩm dùng cho chức năng sức khỏe đặc thù vào năm 1991.
Hoa kỳ cũng là một trong những quốc gia tạo thị trường mở cho “Probiotic” với các sản phẩm “Probiotic” sử dụng như một trị liệu thay thế (thuốc, “Sinh phẩm”) và cả dạng “Probiotic” thực phẩm.
Châu Âu bắt đầu áp dụng quy chế “Probiotic” thực phẩm chức năng trong năm 1995 và trở thành khu vực thứ 2 sau Nhật Bản phát triển thị trường “Probiotic” trong các loại sản phẩm từ sữa và nước uống.
Trung Quốc chỉ cấp phép “Probiotic” theo danh mục các chủng vi sinh vật riêng dưới dạng thực phẩm chức năng, tuy nhiên những yêu cầu về tính an toàn chưa được ban hành theo quy chế và chỉ cho phép công bố những tác dụng liên quan đến cải thiện chức năng về mặt sinh lý, chưa cho phép công bố những tác dụng mang tính dược lý.
Đối với các nước khối Đông Nam Á (ASEAN), thị trường “Probiotic” đang gia tăng về mặt nhu cầu nhập khẩu và sản xuất. Rất nhiều “Probiotic” dưới dạng thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm chức năng được nhập khẩu vào khu vực này.
Trong năm 2021, thị trường “Probiotic” chiếm 61,1 tỷ USD và năm 2022 là 66,9 tỷ USD, dự báo sẽ đạt mức 73,14 tỷ USD trong năm 2023[20,21]. Với sự quan tâm của người tiêu dùng vào các loại thực phẩm tăng cường sức khỏe và các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, thị trường “Probiotic” sẽ tiếp tục được mở rộng. Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là thị trường “Probiotic” lớn nhất trong năm 2022, tiếp theo sau đó là khu vực Tây Âu, Bắc Mỹ [20,21] .
6. Những ứng dụng trong sức khỏe hiện nay của Probiotic
6. Những ứng dụng trong sức khỏe hiện nay của Probiotic
6.1). Lợi ích của Probiotics trên sức khỏe tiêu hóa
Tiêu chảy do nhiễm khuẩn cấp ở trẻ em
Tiêu chảy cấp do nhiễm khuẩn ở trẻ em biểu hiện bởi tình trạng đi phân lỏng, đại tiện nhiều lần (ít nhất 3 lần/ngày) và có thể kèm theo sốt, nôn mữa. Tình trạng này có thể kéo dài đến 7 ngày. Bên cạnh các thuốc trị tiêu chảy được chỉ định cho trẻ em, “Probiotics” cũng được sử dụng khá phổ biến. Các bằng chứng từ hàng loạt nghiên cứu đã chứng minh được lợi ích của “Probiotics”.
Một phân tích tổng quan từ 63 thử nghiệm lâm sàng trên 8014 trẻ nhỏ và trẻ em cho thấy việc sử dụng “Probiotics” rút ngắn thời gian bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn. Việc sử dụng sớm “Probiotics” làm giảm 59% nguy cơ tiêu chảy kéo dài hơn 4 ngày và giảm tần suất đại tiện xuống chỉ còn 1 lần/ngày vào ngày thứ 2 sau khi uống “Probiotics”[22].
Tiêu chảy do kháng sinh
Kháng sinh là một trong những nguyên nhân gây tiêu chảy cấp. Việc sử dụng kháng sinh làm rối loạn hệ vi sinh đường ruột, giảm tính đa dạng và làm giảm nhiều phản ứng chuyển hóa của hệ vi sinh đường ruột, vì thế thường dẫn đến tiêu chảy do thay đổi áp suất thẩm thấu ở ruột (gây quá dư thừa nước ở ruột). Bên cạnh đó, các vi khuẩn gây bệnh có cơ hội phát triển do không còn bị ức chế bởi hệ vi sinh đường ruột, nhu động ruột vì thế cũng tăng lên. Có khoảng 30% bệnh nhân sử dụng kháng sinh bị tiêu chảy. Trẻ em dưới 2 tuổi và người già trên 65 tuổi có nguy cơ tiêu chảy do kháng sinh cao hơn.
Các phân tích gộp và phân tích tổng quan từ 12 nghiên cứu lâm sàng với tổng số 1499 bệnh nhân từ trẻ em đến người lớn cho thấy “Probiotics” là giảm 51% nguy cơ bị tiêu chảy do kháng sinh. Tuy nhiên, việc dự phòng hoặc làm giảm tiêu chảy do kháng sinh lệ thuộc vào loại kháng sinh sử dụng và chủng vi sinh sử dụng trong “Probiotics”. Các chủng Lactobacillus và Saccharomyces có hiệu lực rõ rệt và trẻ em đáp ứng tốt hơn người lớn. Nếu “Probiotics” được sử dụng ngay trong vòng 2 ngày đầu sau khi sử dụng liều kháng sinh đầu tiên, hiệu quả dự phòng tiêu chảy do kháng sinh sẽ tốt hơn so với sử dụng “Probiotics” muộn[23].
Viêm ruột mạn tính
Viêm ruột mạn tính là tình trạng viêm kéo dài ở đại tràng (viêm đại tràng) và ruột non (bệnh Crohn). Có rất nhiều yếu tố liên quan đến viêm ruột mạn tính và một trong những yếu tố đó có thể là sự thay đổi hệ vi sinh đường ruột. Vì thế, bênh cạnh các thuốc kháng viêm steroid và nhiều thuốc khác, “Probiotics” cũng được nghiên cứu sử dụng.
Nhiều phân tích tổng quan và phân tích gộp đã phân tích các thử nghiệm lâm sàng và phần lớn đều đưa ra kết luận chung rằng: “Probiotics” mang lại lợi ích khi sử dụng cho bệnh nhân viêm đại tràng mạn tính nhưng ít hiệu quả trên bệnh Crohn.
Kết quả phân tích từ 17 thử nghiệm lâm sàng trên 1673 bệnh nhân trẻ em và người lớn bị viêm đại tràng cho thấy các “Probiotics” cải thiện triệu chứng ở bệnh nhân viêm đại tràng mức độ nhẹ-trung bình. “Probiotics” kết hợp với thuốc kháng viêm (5-ASA) có hiệu quả tốt hơn việc sử dụng thuốc kháng viêm 5-ASA một mình. Năm 2019, Hiệp hội Tiêu Hóa của Vương quốc Anh đã đưa “Probiotics” vào hướng dẫn điều trị viêm ruột mạn tính[24,25].
6.2). Lợi ích của Probiotics trên hệ miễn dịch
Đường tiêu hóa là một trong những hệ cơ quan trong đó sinh thái và hoạt động của hệ vi sinh đóng vai trò rất quan trọng lên hoạt động của hệ miễn dịch ở ruột. Trong hệ sinh thái này, việc sử dụng “Probiotics” sẽ kích thích hệ miễn dịch và tạo ra hệ thống truyền tin bởi các vi sinh đường ruột.
Trên tế bào biểu mô ruột
“Probiotic” tương tác với tế bào biểu mô ruột và do sự hiện diện ưu thế của chúng, các vi sinh trong “Probiotics” đóng vai trò như một cảm biến giúp ruột tương tác với môi trường. Các vi sinh trong “Probiotics” có thể đi vào tế bào ruột và hoạt hóa chuổi phản ứng của hệ miễn dịch (bao gồm các tế bào miễn dịch như đại thực bào, tế bào nhánh, tế bào lympho, …). “Probiotics” cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kích hoạt và làm gia tăng số lượng tế bào tiết ở biểu mô ruột, dịch tiết này chứa nhiều peptid có tính kháng sinh và protein có tính miễn dịch giúp tăng cường hàng rào bảo vệ của ruột. Nhiều nghiên cứu cho rằng, “Probiotics” chỉ cần hiện diện trong khoảng 72 giờ là đủ để kích hoạt các tế bào tiết này và kích hoạt các đại thực bào, tế bào nhánh và các cytokine miễn dịch[26].
Ổn định cân bằng nội mô ruột
Một trong những đặc tính quan trọng của “Probiotic” là hoạt hóa hệ miễn dịch ruột nhưng không làm thay đổi cân bằng nội mô ruột. Điều này cho phép việc sử dụng “Probiotics” dài hạn mà không gây ra những tác động bất lợi và đảm bảo tính an toàn của “Probiotics”. Bên cạnh đó, các cytokine do các tế bào miễn dịch tiết ra dưới tác động của “Probiotics” sẽ làm tăng số lượng các tế bào sản xuất ra IgA. Các cytokine này cũng có thể kích hoạt các tế bào miễn dịch ở các cơ quan xa ruột như lách, màng bụng, niêm mạc hô hấp và cả tuyến sữa[26].
Cân bằng chức năng miễn dịch ngoài ruột
“Probiotic” có khả năng hồi phục cấu trúc giải phẩu tuyến ức và kích thích đáp ứng miễn dịch thích nghi trong quá trình suy dinh dưỡng. “Probiotics” cân bằng các loại lympho T giúp kiểm soát tiến trình dị ứng. Với tác động trên hệ miễn dịch ở ruột, các “Probiotics” có tác động điều hòa tính tự miễn ở ruột và toàn thân[26].
6.3). Lợi ích của Probiotics trên sức khỏe sinh sản
Trên sức khỏe sinh sản ở nam giới
Vai trò của hệ vi sinh trong tinh dịch: các nghiên cứu gần đây cho thấy tinh dịch chứa nhiều loại vi sinh khác nhau và có vai trò quan trọng trong duy trì chất lượng của tinh dịch. Các Lactobacillus trong tinh dịch giúp duy trì khả năng sống và di chuyển của tinh trùng. Hệ vi sinh ở tinh dịch có thể có nguồn gốc từ hệ vi sinh ở niệu đạo-sinh dục và cả từ hệ vi sinh ở ruột, miệng, máu hay cả ở âm đạo. Các vi sinh trong tinh dịch tương tác với tinh trùng trưởng thành và tác động đến chức năng của tinh trùng[27].
Hệ vi sinh trong truyến tiền liệt: tuyến tiền liệt là cơ quan hỗ trợ sinh sản quan trọng ở nam giới. Dịch tuyến tiền liệt không chỉ ảnh hưởng đến sự phóng tinh, hoạt hóa tinh trùng và giúp tinh trùng trưởng thành mà còn giúp tái tạo một số thành phần của đường sinh dục nữ và giúp chuẩn bị cho sự thụ tinh. Tuy nhiên, hệ vi sinh của tuyến tiền liệt vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ[28].
Lợi ích của “Probiotics” trên sức khỏe sinh sản nam giới: một số nghiên cứu tác động của “Probiotics” in vitro và in vivo cho thấy “Probiotics” làm tăng tính di động của tinh trùng cũng như nhiều thông số động học khác của tinh trùng. Chất lượng của tinh trùng và khả năng tạo tinh trùng tăng lên ở chuột thí nghiệm sau khi được cấy hệ vi sinh từ phân. Việc bổ sung “Probiotics” cũng giúp phục hồi lượng testosterone và khả năng sinh tinh ở chuột già. Một số nghiên cứu cho rằng, hệ vi sinh đường ruột làm tăng tính thấm qua hàng rào máu-tinh hoàn và giúp điều hòa chức năng của tinh hoàn. Do tác động có lợi của “Probiotics” trên tinh trùng, nhiều kết quả nghiên cứu trên động vật cho thấy “Probiotics” làm tăng số lượng con sinh ra, thể trọng khi sinh ra cũng cao hơn nhóm bình thường[29,30].
Trên sức khỏe sinh sản nữ giới
Vai trò của hệ vi sinh ở cơ quan sinh dục nữ: hệ vi sinh trong âm đạo nữ giới đóng vai tròng quan trọng trong ngăn chặn nhiễm trùng và điều hòa môi trường âm đạo. Bên cạnh âm đạo, gần đây, các nghiên cứu cho thấy có sự hiện diện của các vi sinh vật trong nang trứng, vòi trứng, tử cung và nhau thai.
Hệ vi sinh trong dịch nang trứng: hệ vi sinh này không khác biệt so với hệ vi sinh trong âm đạo, trong ruột và ở da. Sự hiện diện của hệ vi sinh trong dịch nang trứng có liên quan đến sự trưởng thành của phôi thai và chất lượng của phôi thai. Hệ vi sinh này cũng giúp bảo vệ trứng và giúp trứng trưởng thành nhờ tác động ngăn chặn sự phát triển của các vi sinh vật gây bệnh[31].
Hệ vi sinh trong tử cung và nhau thai: trước đây, tử cung và nhau thai được cho là môi trường không có sự hiện diện của vi sinh vật. Tuy nhiên những nghiên cứu gần đây cho thấy nhau thai chứa các vi sinh vật tương tự hệ vi sinh ở miệng và nội mạc tử cung. Ở trẻ sinh non, hệ vi sinh nhau thai có thành phần tương tự như ở âm đạo, cho thấy hệ vi sinh âm đạo có thể tác động đến chức năng nhau thai và ảnh hưởng đến kết quả sinh nở. Tương tự, tử cung cũng có hệ vi sinh riêng biệt và mang tính chuyển tiếp từ hệ vi sinh ở âm đạo (do cổ tử cung ngăn chặn sự xâm nhập của vi sinh vật từ âm đạo vào tử cung và một số vi sinh vật do tinh dịch mang vào). Hệ vi sinh trong tử cung có liên quan đến tình trạng hiếm muộn và xảy thai[32-35].
Hệ vi sinh trong âm đạo: là hệ vi sinh được xác định sớm nhất. Hệ vi sinh ở âm đạo chủ yếu là hội sinh trong đó chiếm ưu thế là Lactobacillus. Các chủng Lactobacillus tạo ra môi trường pH thích hợp để ngăn chặn sự phát triển của nấm và vi khuẩn, giúp cân bằng nội mô âm đạo. Sự thay đổi hệ vi sinh âm đạo có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai và tình trạng mang thai[36-38].
Lợi ích của “Probiotics” trên sức khỏe sinh sản nữ giới: việc bổ sung “probiotics” có thể làm chậm sự ngưng hoạt động đột ngột của buồng trứng và giảm sản xuất estrogen ở phụ nữ mãn kinh vì thể, giảm các triệu chứng bốc hỏa, rối loạn lipid huyết và tăng cân. Việc sử dụng “Probiotics” cũng có thể làm tăng lượng FSH do đó kéo dài hoạt động của buồng trứng. Nhiều thí nghiệm trên động vật cho thấy “Probiotics” có tác động kích thích nang trứng phát triển và trưởng thành. Bên cạnh đó, việc sử dụng “Probiotics” làm tăng chức năng của nhau thai và các vi sinh trong “Probiotics” có thể đi vào trong nước ối của thai nhi. “Probiotics” cũng làm giảm nguy cơ tiền sản giật do làm giảm đáp ứng viêm ở nhau thai. Việc bổ sung “Probiotics” trong quá trình mang thai giúp điều hòa hệ vi sinh ở ruột và gây tác động có lợi cho sự phát triển của bào thai. Song song với các tác động có lợi trên sinh sản, “Probiotics” cũng giúp phòng ngừa một số bệnh lý ở hệ sinh sản như: giảm các triệu chứng của rối loạn chuyển hóa trong hội chứng buồng trứng đa nang, làm giảm nguy cơ viêm âm đạo, làm giảm nguy cơ viêm nội mạc tử cung[39-44].
6.4). Lợi ích của Probiotics trên sức khỏe răng miệng
Khoang miệng là hệ thống sinh thái năng động do dự thay đổi thường xuyên môi trường răng miệng và sự tương tác với nhiều yếu tố, trong đó có sự hiện diện của hệ vi sinh vật cộng sinh. Hệ vi sinh ở miệng không đồng nhất và đa dạng và sự mất cân bằng hệ này có thể gây nhiều bệnh răng miệng, điển hình như viêm nha chu hoặc “sâu rang”. “Probiotics” đối kháng và loại bỏ các mầm gây bệnh ở miệng, vì thế, có tác động dự phòng và điều trị một số bệnh ở miệng. Một phân tích gộp từ 361 nghiên cứu trên 5374 bệnh nhân có bệnh răng miệng cho thấy “Probiotics” ức chế các vi khuẩn gây bệnh. “Probiotics” cạnh tranh với vi khuẩn gây bệnh và làm tăng tỷ lệ các vi khuẩn có lợi trong miệng. Để có hiệu lực trên, “Probiotics” phải ở được trong khoang miệng, phải hỗ trợ hệ vi sinh ở khoang miệng và phải lưu trú được ở khoang miệng. Bên cạnh đó, “probiotics” phải không lên men đường làm thay đổi pH khoang miệng. “Probiotics” cũng phải có tác động làm giảm sản xuất các độc tố từ vi khuẩn, giảm sự tạo thành “biofilm”, ngăn chặn sự hình thành vôi răng qua tác động trên sự tiết nước bọt và tạo môi trường đệm trong khoang miệng.
Tác động của “Probiotics” trên hệ vi sinh ở miệng
Hệ vi sinh ở miệng giúp ngăn ngừa nhiều bệnh răng miệng. Vôi răng là mảng bám có thành phần là các tế bào vi khuẩn, các chất chuyển hóa, độc tố của vi khuẩn và các protein, polymer từ nước bọt và thức ăn tạo ra. Một số nghiên cứu cho thấy “Probiotics” ức chế sự tạo thành các mảng bám ở răng khi sử dụng “Probiotics” trong 2-3 tuần cho đến 3 tháng. Một số chủng vi sinh trong “Probiotics” vẫn còn tồn tại và kết dính trong khoang miệng cho đến 4 tháng sau khi ngưng uống, do đó, có thể cho tác dụng bảo vệ sâu răng kéo dài. Việc sử dụng “probitotics” cũng làm giảm các vi khuẩn gây bệnh răng miệng. Các nghiên cứu này cũng cho thấy rằng “Probiotics” không gây rối loạn hệ vi sinh ở miệng, một số có thể tồn tại kéo dài ở bề mặt răng và ngăn ngừa sâu răng[45-49].
Tác động của “Probiotics” trên nha chu
Viêm nha chu do các vi khuẩn gây bệnh hiện diện ở nha chu kết tập và tạo thành các “biofilm” ở nướu răng. Làm sạch vôi răng là biện pháp thông thường để loại bỏ các “biofilm” và kết hợp kháng sinh nếu có viêm. Các “Probiotics” có tác động ngăn chặn sự tái hình thành các “biofilm” do vi khuẩn tạo ra và làm thay đổi thành phần vi khuẩn gây bệnh trong “biofilm”, kể cả những “biofilm” hình thành cạnh các răng cấy ghép (implant). Tác động này là do hoạt tính ức chế phản ứng viêm, điều hòa miễn dịch và giảm hoạt tính các metalloproteinase[50-53].
Tác động của “Probiotics” trên nướu
Một phân tích gộp từ 14 thử nghiệm lâm sàng về việc sử dụng “Probiotics” trong điều trị viêm nướu răng và đánh giá sức khỏe nướu răng cho thấy sau 2-4 tuần sử dụng “Probiotics” tình trạng viêm nướu giảm, các chỉ số số viêm ở nướu và chỉ số vôi răng cũng giảm có ý nghĩa. Hiệu quả này tương tự như tác động của chlorhexidine. “Probiotics” cũng làm giảm số lượng vi khuẩn gây bệnh trong nước bọt. Hiện tượng chảy máu nướu răng giảm sau khoảng 4 ngày sử dụng. Các kết quả nghiên cứu này đưa ra kết luận: sử dụng “Probiotics” dài hạn có thể giúp cải thiện tình trạng vệ sinh răng miệng, tăng sức khỏe nướu răng và giảm viêm nướu[54-60].
Tác động của “Probiotics” trên viêm niêm mạc quanh vị trí cấy ghép
Viêm niêm mạc quanh vị trí cấy ghép là tình trạng viêm mô mềm quanh vị trí cấy ghép nhưng không đi kèm mất xương, chủ yếu do sự tạo “biofilm” của vi khuẩn gây bệnh. “Probiotics” có thể sử dụng để hỗ trợ điều trị do tác động ngăn chặn sự tạo thành biofilm. Các kết quả nghiên cứu lâm sàng chưa cho thấy hiệu quả đồng bộ của “Probiotics” trên viêm niêm mạc quanh vị trí cấy ghép do thiết kế nghiên cứu khác nhau. Vì vậy, cần có những kết quả nghiên cứu từ các thử nghiệm chặt chẽ và tiêu chuẩn để có thể rút ra kết luận về vai trò của “Probiotics” trong ngữ cảnh này[61-68].
Tác động của “Probiotics” trên “sâu răng”
“Sâu răng” là bệnh do nhiều yếu tố tạo ra và có liên quan đến độ pH trong khoang miệng do tác động của vi khuẩn hoặc thức ăn (thức ăn chứa đường). Do đặc tính kết dính vào khoang miệng và tồn tại kéo dài trong khoang miệng, ức chế vi khuẩn gây bệnh và ngăn chặn sự tạo “biofilm”, “Probiotics” đã được thử nghiệm trong điều trị hỗ trợ “sâu răng”. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, ở trẻ em và trẻ nhỏ, “Probiotics” thể hiện tác động ngăn chặn “biofilm” ở giai đoạn sớm tốt hơn so với các “biofilm” đã hình thành quá lâu và giảm tỷ lệ “sâu răng”. Ở người lớn, “Probiotics” làm giảm số lượng vi khuẩn gây “sâu răng” và giúp các vi sinh trong “Probiotics” lưu trú trong hệ vi sinh miệng[69-78].
Tác động của “Probiotics” trên chứng hôi miệng
Hôi miệng là hiện tượng rất thường gặp ở trẻ em và cả người lớn. Hôi miệng có thể do ăn một số loại thức ăn, do vệ sinh răng miệng kém, viêm nha chu, nhiễm trùng hô hấp, hút thuốc lá, khô miệng hoặc do rối loạn hệ vi sinh ở miệng. Trong khoang miệng, sản phẩm chuyển hóa của các vi sinh vật ở dạng lưu huỳnh bay hơi sẽ gây hôi miệng. Một số yếu tố làm tăng sản phẩm chuyển hóa dạng này là vi khuẩn gram âm kỵ khí, pH nước bọt bị kiềm hóa, giảm thế oxy hóa-khử và sự hiện diện của các dẫn chất sulfuric như cysteine và methionine. Một số nghiên cứu cho thấy “Probiotics” làm giảm chứng hôi miệng sau khi điều trị trong vòng 4-12 tuần. Số lượng vi khuẩn sinh chất gây hôi giảm sau 4 tuần, tương tự nồng độ chất gây hôi cũng giảm tương ứng. Chỉ số cải thiện hôi miệng tăng sau 8 tuần. Ở các bệnh nhân bị hôi miệng do chỉnh hình răng, hiệu quả giảm hôi của “Probiotics” có thể đến muộn hơn (sau 1-3 tháng điều trị)[79-85].
KẾT LUẬN
Với công nghệ sản xuất hiện đại và định hướng đến các đích tác động cụ thể trong chẩn đoán, điều trị hoặc dự phòng một cách chọn lọc, “Dược Sinh học/Sinh phẩm” sẽ là thuốc của tương lai và là hướng phát triển chủ đạo của ngành công nghiệp dược phẩm.
Biên soạn: PGS.TS. Trần Mạnh Hùng
Trưởng bộ môn Dược lý, Khoa Dược, ĐH Y Dược Tp. HCM